Thứ Ba, 16 tháng 1, 2018

CHUYỆN CỦA MÙA ĐÔNG (draft)


Sài Gòn, mùa nhớ.

Đó là những ngày giữa tháng mười một, khi tôi đi ngang qua một ngã tư trên đường Điện Biên Phủ. Ánh mắt của tôi đắm đuối ngắm nhìn những bông cúc họa mi trong một cửa hàng nhỏ. Ở loài hoa này có điều gì đó rất riêng biệt, nên tôi đã nhận ra ngay được. Dù cho có rất nhiều loài hoa sặc sỡ khác đang được bày biện trong quán.

Ở Sài Gòn, tôi không nghĩ những đóa cúc họa mi lại có thể đi lạc tới thành phố này. Tôi khá bất ngờ khi một ngày đầy nắng, tôi gặp loài hoa này ở nơi đây. Tôi không còn nhớ được chính xác những kỷ niệm về cúc họa mi. Cứ thế tôi đứng thinh lặng, tập trung để bản thân có thể nhớ được về loài hoa này. Không nhiều kỷ niệm được tôi nhớ lại, điều tôi nhớ duy nhất, loài hoa này gắn liền với một mảnh đất xa xôi…

Mấy ngày sau, tôi nhận được chuyến công tác dài ngày ra Hà nội. Đó là một chi nhánh mới mở của công ty, có thể tôi sẽ phải ở đấy hai năm. Dù đã cố gắng hết sức để từ chối, nhưng tôi vẫn phải thực hiện chuyến đi này. Do tôi chưa có gia đình và quê hương ở bắc, văn hóa cũng như lối sống sẽ dễ dàng hơn cho công việc. Mọi người trong công ty ai cũng chúc mừng, bởi vì họ nghĩ tôi đã trở về gần nhà hơn. Và nơi ấy tôi đã từng sống những tháng năm sinh viên, sẽ dễ dàng cho tôi trong mọi thứ.

Tôi dọn dẹp căn phòng đã gắn bó với mình năm năm. Ở căn phòng nhỏ hẹp này, chất chứa bao nhiêu kỷ niệm của những tháng ngày ở Sài Gòn. Tôi không nỡ rời xa sự yên tĩnh của con hẻm này, không nỡ rời xa sự tốt bụng của cô chủ nhà trọ… Tôi đã yêu nơi này, từ những văn hóa nhỏ nhất. Mỗi sáng ngồi lê la trong quán nhỏ đầu hẻm, nhâm nhi tách café, ngồi đọc những bản tin mới nhất… Cho đến những ngày cuối tuần, cùng bạn bè ngồi nhậu trong một quán nào đấy, nghe kể về sự đời đã trôi qua.

Tôi sợ cái lạnh của miền bắc. Những người miền bắc đã sống lâu ở miền nam, họ ngại nhất khi quay trở về quê hương vào mùa đông. Chỉ cần bước xuống máy bay, cảm giác sốc nhiệt, từng làn gió lạnh rét buốt cứ thế khiến cơ thể co rúm lại. Chưa kể đến những ngày rét buốt, có thêm những cơn mưa âm ỉ cả ngày… Bởi vậy, từ ngày sống ở Sài gòn, tôi chỉ mới trở về quê hương có ba lần.

Những đồ đạc đã được đóng thùng kỹ càng để đem gửi. Không có quá nhiều đồ đạc trong căn phòng, nên tôi đang đứng suy nghĩ về chiếc vali nhỏ. Tôi chẳng thể nhớ, tại sao lại có chiếc vali này ở đây và không biết có phải của tôi không nữa. Tôi mở ra, đó là những món quà lưu niệm nhỏ. Một chiếc máy ảnh, mấy bức thư viết tay, vài túi đeo, khăn của người Ê đê, mấy túi café nhỏ của Tây nguyên, hai cái khăn rằm miền nam… Có một chiếc USB nhỏ màu hồng với dây đeo dễ thương.

Tôi đang có cảm giác rất khó tả khi bắt gặp những đồ vật được cất giữ trong vali. Mở chiếc USB, tôi thấy những bức ảnh. Tôi chết lặng, đôi mắt nhìn không rời từng bức hình. Đó là những ngọn núi cao ngất của tây bắc, những kênh rạch của miền tây, những vườn café, cao su bạt ngàn của tây nguyên… Cho đến khi thấy một cô gái đang đứng giữa vườn cúc họa mi ở bãi đá sông Hồng. Tôi lặng thinh, để ký ức tìm đến những ngày tháng tuổi hai mươi đầy cảm xúc…

Đó là câu chuyện dài của những mùa đông.

Hà Nội, mùa yêu thương.

Có ba điều tôi được dặn dò kỹ lưỡng khi bắt đầu tới thành phố này. “Đừng có yêu, không ai đáp trả tình yêu của một chàng trai nghèo đâu. Đừng có sa đọa vào những thú vui rẻ tiền. Đừng có đặt niềm tin vào một điều gì đó vượt quá khả năng của mình.”

Tôi khẽ cười một mình. Bởi vì chẳng có điều nào tôi thực hiện được, nên bây giờ tôi đang phải trốn chạy ở một nơi xa xôi cách gần hai nghìn cây số. Tôi đã đắm đuối, trái tim đập rộn ràng khi nhìn thấy cô ấy lần đầu tiên. Một cô gái nhỏ nhắn, mái tóc dài buông thõng, đôi mắt luôn tươi sáng nhưng vẫn chất chứa đủ nỗi buồn, khuôn mặt thánh thiện và đầy nhân hậu.

Yêu thầm Lam ba năm, tôi như một kẻ ngốc nghếch đang tồn tại trong cuộc sống. Khoảng thời gian thầm lặng ấy trôi qua một cách lặng lẽ. Mỗi khi được nói chuyện, nhìn thấy cô ấy cười khiến trái tim của tôi chỉ muốn thốt lên những lời chân thật. Nhưng tôi đã không làm được, tôi sợ rằng khi nói ra sẽ mất cô ấy mãi mãi.

Tôi không thể nhớ chính xác cảm xúc yêu đơn phương của những năm tháng tuổi hai mươi. Tôi chỉ nhớ được rằng, mỗi buổi tối tôi đều đạp xe tới nhà cô ấy. Đó là một khu tập thể của quận Cầu Giấy, sâu trong ngõ nhỏ, hai bên đường những hàng bằng lăng tím trải dài. Tôi đến đấy, chỉ để ngắm nhìn cô ấy đi tập thể dục vào buổi tối, hoặc thấy nụ cười của cô ấy khi đứng trên ban công. Đó là cảm giác rất lạ, có chút đau đớn không thể nói ra, có sự bình yên nhẹ nhàng đầy hạnh phúc. Tất cả chỉ có một trái tim rung lên những nhịp đập chênh vênh.

Giữa thành phố xa lạ, tôi yêu một cô gái không quá xinh đẹp, không đặc biệt và không yêu tôi. Thế nhưng trái tim của tôi cứ mãi đắm đuối, si mê để tâm tới cô ấy, mãi không từ bỏ được cô ấy. Đến nỗi, cô chủ quán trà đá đầu ngõ cứ lắc đầu than hoài, không hiểu được tình yêu là gì.

Tôi hay ngồi ở quán của cô, khoảng cách từ quán tới nhà cô ấy không quá xa. Có thể nhìn cô ấy rõ ràng, có thể bí mật khiến cô ấy không thể phát hiện ra. Cô chủ quán không phải người ở đấy, cũng như tôi đi ngang qua thành phố này để mưu sinh. Cô thường hay lắc đầu ngán ngẩm vào những ngày mưa gió.

“Mưa gió đến đây làm chi, cho cực cái thân. Mày đến người ta cũng có biết đâu... Sao tao thấy mày khổ quá vậy trời.”

Tôi khẽ cười.

Sự cố chấp đang hiện diện trong từng tháng ngày tuổi thanh xuân. Cố chấp để cô đơn suốt những tháng ngày dài.

Vào một buổi tối mùa đông lạnh. Cô ấy bước tới, khiến tôi giật mình, ngại ngùng.

“Bạn tìm tớ à?”

Câu hỏi của cô ấy khiến tôi bối rối.

“Không… nhà bạn ở đây à. Tớ… tớ chỉ đi ngang qua đây thôi.”

Cô chủ quán lắc đầu, nháy mắt khó hiểu. Lam cười khi thấy tôi bối rối như một đứa trẻ bị phát hiện mắc lỗi.

“Tớ biết hết mọi chuyện rồi. Cô Minh kể hết cho tớ rồi.”

Khuôn mặt của tôi đỏ hồng, nóng cháy từng tế bào. Cảm giác vừa tức giận khi cô chủ quán đã bán đứng tôi, vừa thấy ngại ngùng khi Lam đã biết sự khờ dại của tôi bấy lâu. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không thể biết chắc chắn, nên cảm ơn hay trách móc cô chủ quán. Nhưng kể từ ngày ấy, chuyện tình cảm của tôi bước sang một trang khác.


Đó là những ngày tôi không thấy sợ mùa đông. Bởi vì luôn được ở bên cạnh cô ấy. Những ngày cùng cô ấy lang thang dạo phố khi gió mùa về. Cùng cô ấy, lang thang đi đến những quán café trong phố cổ. Những ngày cùng cô ấy tìm những quán café nhạc Trịnh khắp thành phố. Cùng cô ấy đọc những cuốn sách trên thư viện, thoải mái cười đùa giữa sân trường.

Tôi trở thành người bạn thân của cô ấy. Nhưng trái tim vẫn nhức nhối một điều khó nói. Cho đến mùa đông cuối cùng khi còn là sinh viên. Một buổi tối trong quán café nhạc Trịnh trên đường Quan Hoa, cô ấy đã nắm tay tôi thật chặt, giữa những ánh sáng của những cây nến lung linh.

“Đưa tay đây cho tớ”.

Cô ấy khiến tôi giật mình. Hai bàn tay của tôi từ từ đưa ra.

“Tớ nghĩ tay của bạn lạnh, để tớ sưởi ấm cho. Không ngờ tay của tớ còn lạnh hơn nhiều.”

Tôi khẽ cười.

“Để tớ truyền hơi ấm cho nhé.”

Đến khi này, tôi đã chắc chắn rằng, tôi yêu cô ấy. Chứ không phải là tình yêu thoáng qua, cảm nắng, sét đánh một cô gái.

“Bạn biết cúc họa mi chứ?”

“Ừ… tớ cũng không biết về loài hoa này nhiều.”

“Chỉ còn một tuần nữa, loài hoa này sẽ tàn. Ngày mai bạn chở mình đi nhé.”

Cô ấy khiến tôi khá bất ngờ, nhưng chứa chan cảm xúc vui mừng.

Cả đêm hôm ấy, tôi gần như mất ngủ, bởi cứ băn khoăn để nghĩ tới lời tỏ tình. Không có cơ hội nào tốt hơn cơ hội này. Nói những lời yêu thương chất chứa với cô ấy bấy lâu nay, giữa bạt ngàn hoa cúc họa mi.

Bãi đá sông Hồng, những ngày cuối tháng mười một.

Nhìn cô ấy tung tăng cười đùa giữa vườn hoa cúc họa mi. Tôi thấy cô ấy thật đẹp, thuần khiết, dịu dàng và đơn giản. Có lẽ bởi tất cả những điều ấy, nên tôi đã yêu cô ấy thật nhiều. Cảm giác đau đớn khi yêu một cô gái, nhưng không được đáp trả tình cảm đã hành hạ tôi bấy lâu nay. Đau đớn hơn khi không đủ can đảm để nói ra những lời ấy.

“Lam này, tớ có chuyện muốn nói.”

Nhìn từng đợt sóng của sông Hồng, tôi khẽ nói với cô ấy.

“Bạn muốn nói chuyện gì?”

Tay của tôi bứt đám cỏ, còn miệng cứ ấp úng không biết bắt đầu từ đâu.

“Khi đến thành phố này, tớ được dặn dò không được yêu… Nhưng tớ đã không làm được việc đó, bởi ngay khi đến đây, tớ đã nhìn thấy bạn. Tớ đã muốn nói chuyện này từ lâu, nhưng đó là những lời khó nói. Câu chuyện dài lắm… nhưng tớ không biết có kể được hết không…”

Tôi thở dài, cơ thể run rẩy. Khiến cô ấy cắt ngang.

“Bạn bình tĩnh, đã ai làm gì đâu mà run rẩy dữ vậy.”

Tôi hít một hơi thật dài và nói.

“…Điều cuối cùng tớ muốn nói, anh yêu em”.

Cô ấy cười, khẽ ngả người vào bờ vai của tôi. Cô ấy cầm tay tôi lên, xếp những cánh hoa cúc họa mi thành dòng chữ, “em yêu anh”.

Những ngày đông đó thật ấm áp, từng ngày trôi qua nhẹ nhàng, bình yên.

Một nơi nào đó, đầy nhớ nhung.

Một vài người bạn gọi điện hỏi thăm về chuyến công tác. Khiến tôi sực tỉnh khi cứ miên man suy nghĩ về những ngày đông ấm. Nhìn ra ngoài trời, màn đêm đã kéo xuống từ khi nào không hay. Đến giờ ăn tối, nhưng tôi không thấy đói, nên tiếp tục mở máy ảnh xem những tấm hình đã chụp.

Đó là những tấm hình chụp mọi miền đất nước của những năm tháng tuổi thanh xuân. Đến mỗi miền đất mới, việc đầu tiên tôi sẽ tận hưởng trải nghiệm bằng đôi mắt của mình. Sau đó, tôi sẽ ngắm và chụp những bức ảnh cho Lam. Cô ấy không có may mắn được đi như tôi, khi gia đình cô ấy khá nghiêm khắc và khó tính. Nên tôi sẽ là đôi mắt của cô ấy, khám phá những trải nghiệm mới.

Những ngày khám phá đông bắc, leo lên bản của người H’Mông chót vót giữa những tầng mây. Có khi tôi phải mất cả buổi để leo qua những ngọn núi, để thấy cuộc sống bình dị của họ. Khi dừng chân, đôi tay còn đang rét cóng vì lạnh, tôi viết những dòng thư cho cô ấy.
Tôi kể cho cô ấy nghe về tình yêu bình dị của những cặp vợ chồng người H’Mông. Đó là thứ tình yêu luôn khiến nhiều người băn khoăn, mỗi khi bắt gặp những cô vợ che dù cho chồng say rượu giữa đường. Đó là sự nồng nhiệt đón khách của họ, dù cho cuộc sống còn nhiều khó khăn.

Những đêm trăng sáng, đi trên đỉnh những ngọn núi ngắm nhìn dòng sông Nho quế một cách ngao ngán. Tôi kể cho cô ấy nghe về những khó khăn của người dân ở đây. Ấy vậy, họ vẫn bình yên và hạnh phúc để đi qua những tháng ngày dài. Những cặp vợ chồng họ có tình yêu, qua hành động nhỏ từng ngày. Có thể chỉ là việc đơn giản như lau mồ hôi, người chồng gùi thay vợ những bó củi to…

Những ngày mùa đông, leo lên đỉnh Fansipan thật là một thử thách khó khăn. Đôi chân buốt lạnh dù có đi những đôi ủng dày, đôi tay cóng dính chặt lấy cây gậy, những mảng băng tuyết dính chặt lấy tóc. Thật khó khăn để tìm được song điện thoại, nên tôi đã viết những dòng thư cho cô ấy.

Tôi kể cho cô ấy nghe về những khó khăn khi leo lên nóc nhà Đông dương. Kể cho cô ấy nghe, từng bước chân của tôi đều có những suy nghĩ về cô ấy. Tôi ước gì, cô ấy sẽ bên cạnh tôi, cùng đồng hành trong một chuyến đi. Để tôi có thể bảo vệ cô ấy, cùng cô ấy trải qua những kỷ niệm đẹp bên nhau.

Tôi kể cho cô ấy nghe nỗi buồn chênh vênh khi phải một mình đến Thung lũng tình yêu Sapa. Ở nơi ấy, tôi cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất cho tình yêu của chúng tôi…

Suốt những năm tháng đẹp nhất của tuổi thanh xuân. Cô ấy luôn là động lực và là nhân vật trong câu chuyện đã trải qua…

Mộc Châu, mùa đông ấm.

Mùa cúc họa mi thứ ba chúng tôi bên nhau. Chúng tôi nắm tay nhau thật chặt, cùng cười đùa trên bãi đá sông Hồng. Cô ấy hỏi tôi rất nhiều về những nơi đi qua, tôi như một đứa trẻ thật thà trả lời từng câu hỏi. Cho đến khi nói về Mộc châu, cô ấy có vẻ như quan tâm hơn tất cả.

“Hay chúng ta sẽ đi Mộc châu?”

“Em nói đùa đấy à?”

“Không… Em không nói đùa.”

Tôi nhìn vào mắt cô ấy.

“Gia đình em có chấp nhận không?”

Sau một vài giây bối rối, cô ấy cũng dứt khoát nói với tôi.

“Em sẽ lấy lý do đi công tác. Ba mẹ em chắc sẽ đồng ý thôi.”
Chúng tôi khởi hành ngay vào buổi chiều ngày hôm ấy. Không có kế hoạch cụ thể, cũng như sự chuẩn bị nhiều, nhưng điều quan trọng nhất, là chúng tôi được bên nhau.

Ngày đầu tiên chúng tôi đến Thung Nai, ghé thăm đập thủy điện và nghỉ đêm tại Mai Châu.  Cứ như vậy, chúng tôi chẳng có gì vội vàng, từng vòng quay của xe chậm rãi tới Mộc Châu. Có gì tuyệt vời hơn khi trái tim của hai người đập cùng một nhịp, cùng hơi thở ấm áp. Cuối cùng, mong ước của tôi đã thành hiện thực, cùng cô ấy bên nhau trong một chuyến đi dài.

Đó là những ngày hạnh phúc nhất tôi đã từng trải qua. Thể xác và tâm hồn của chúng tôi đã hòa quyện vào nhau, tưởng chừng không có gì tách rời… Cô ấy nép vào ngực tôi, say sưa nói cười. Phút giây ấy tôi chỉ muốn tất cả những chiếc đồng hồ dừng vòng quay. Để tôi có thể thì thầm bên tai cô ấy mãi mãi.

Những ngày đông ấy thật ngọt ngào trôi qua. Điều tuyệt vời nhất khi sáng thức giấc, thấy cô ấy cuộn tròn trong vòng tay tôi. Cùng nhau nhìn qua ô cửa sổ, đón những tia sáng đầu tiên của ngày mới. Khoảnh khắc ấy, tôi nghe rõ từng nhịp thở, nhìn kỹ nụ cười thật khẽ. Khoảnh khắc ấy tôi đã mơ và cầu nguyện về một ngôi nhà và những đứa trẻ…

Những điều tuyệt vời nhất của tình yêu chẳng thể chiến thắng được thời gian. Chúng tôi phải trở về Hà nội, để tiếp tục những ngày tháng bon chen, xô bồ. Tôi thấy nét buồn mênh mang trong đôi mắt của Lam. Như thể cô ấy đang luyến tiếc một điều gì đấy, thật xa xăm.
Đến đầu ngõ, tôi dừng ở quán trà đá như mọi lần. Sẽ nhìn cô ấy bước tới nhà cho tới khi khuất bóng thì tôi mới ra về. Nhưng khi xe dừng, cô ấy ngập ngừng chưa muốn về.

“Em có chuyện muốn nói với anh.”

Cô ấy kéo tôi vào quán trà đá hay ngồi.

“Anh phải hết sức bình tĩnh và hứa với em khi nào tỉnh táo mới được ra về nhé.”

Tôi ngạc nhiên sau khi nghe cô ấy nói.

“Em… tuần sau em lấy chồng.”

Tôi cười sảng khoái, không ngờ cô ấy lại biết đùa vui.

“Anh không nghĩ em biết đùa như vậy đâu”.

“Đó là sự thật.”

Cốc trà đá trên tay của tôi rơi tự do, khi bắt gặp ánh mắt cương quyết của Lam và cái gật đầu của cô Minh. Trước mắt tôi, mọi thứ như sụp đổ hoàn toàn, một mảng màu đen tối sa sầm trước mắt. Tôi nghẹn ngào, không biết nên nói điều gì.

“Ngày chủ nhật tuần sau, anh nhớ tới nhé.”

Những giọt lệ khẽ lăn dài trên má của cô ấy. Dường như không muốn để tôi thấy điều đó, cô lau nước mắt thật nhanh và quay bước ra về. Bỏ mặc tôi đang ngổn ngang, chất chứa những nỗi buồn. Tôi ngồi trên chiếc ghế, toàn bộ cơ thể như vỡ tan. Khiến cô chủ quán phải thay cho tôi một chiếc ghế tựa lưng, vững chãi hơn.

Cô chủ quán kể cho tôi về chuyện gia đình của Lam phá sản. Và cuộc hôn nhân không tình yêu này, để cứu vãn tình thế cho gia đình cô… Tôi chênh vênh, nghẹn ngào khi nghe những lời kể của cô Minh. Hóa ra, tôi là người biết sau cùng mọi chuyện. Đáng lẽ tôi phải nghe lời dặn dò ngay từ khi tới thành phố này, không yêu, không đặt niềm tin quá nhiều…

Miền nam, những tháng ngày chênh vênh.

Những gã hàng xóm gõ cửa, nói vài câu chia tay và rủ tôi đi nhậu. Đáng lẽ như mọi khi, tôi sẽ hào hứng nhận lời. Nhưng hiện tại, tôi nói câu từ chối một cách dễ dàng. Tôi đang nhớ lại những ngày đông không có cô ấy. Đang bồn chồn để tìm xem những bức thư đã viết gì cho cô ấy và tôi sẽ khép lại câu chuyện này, không còn nhớ tới nữa.

Ngày cưới cô ấy, tôi đang lang thang với nỗi buồn ở Tây nguyên. Tôi đến đó, ngồi lặng mình uống những ly café và bắt đầu hút những điếu thuốc lá đầu tiên trong đời, suy nghĩ miên man về cuộc đời. Để thực hiện lời hứa với bản thân, sẽ là đôi mắt của cô ấy, tôi bắt đầu cuộc hành trình mới.

Hành trình mang nỗi buồn trên vai, đầy chất chứa. Đôi chân của tôi thẫn thờ bước trên những phố xá thênh thang. Tôi bắt đầu thấy lạnh, thấy sợ dần mùa đông. Bước những bước chân lạc lõng giữa đêm lạnh của Đà Lạt. Nhìn những đôi nhân tình đang sánh bước bên nhau, tôi thèm cảm giác được ở bên cô ấy.

Hành trang của tôi bắt đầu nhiều thêm những lá thư không bao giờ gửi, những món quà lưu niệm không dành cho ai. Tôi cứ đi, đến và đi ở những miền đất xa lạ, mang những điều chênh vênh. Những ngày tháng ấy, tôi tập quên đi mùa đông, tập quên đi người con gái tôi thương…

Chuyến xe đêm đưa tôi đến Cần Thơ.

Nắng, gió ở những nơi xa đã dần phơi khô nỗi buồn của tôi. Không còn quá chất chứa những kỷ niệm, tôi đã dần dần sống cuộc sống chiến đấu với việc không có tình yêu. Những buổi sáng thức dậy ở nơi xa, tôi không còn suy nghĩ đi tìm kiếm yêu thương. Không còn ngỡ như cô ấy đang cuộn tròn bên vòng tay, không còn ngỡ những tiếng yêu thương đang thì thầm nữa.

Những món quà và những lá thư không bao giờ gửi thưa thớt dần. Tôi đã quen với nắng gió ở miền nam và bắt đầu thấy sợ mùa đông mỗi khi nghĩ tới. Tôi gom góp hết những kỷ niệm mong manh và cất vào chiếc vali nhỏ. Mỗi sáng thức dậy, tập quen với những bản nhạc cô đơn.

Tôi ở lại Sài Gòn, bởi vì nơi đây không có mùa đông.

Hà nội, mùa tìm nắng.

San tiễn tôi ra sân bay. Cô ấy là người gốc Sài Gòn, một cô gái hào sảng và hiện đại. Tôi không nghĩ rằng cô ấy lại quan tâm tới tôi. Cho đến nay, tôi không thể phủ nhận tình cảm của cô ấy dành cho tôi. Chẳng có gì tuyệt vời hơn khi có một cô gái tính tình thoải mái, phóng khoáng và pha chút dịu dàng yêu tôi. Nhưng sao tôi cứ thấy lòng chẳng chút nhẹ nhàng, bình yên. Những lời nói yêu của tôi như thể có pha chút dối lừa.

“Em sẽ sớm ra Hà Nội… để kiếm anh.”

“Ngốc à… Hà Nội lạnh lắm, em ra đấy là bị đóng băng liền.”

San cười tinh nghịch.

“Có anh, giá băng đến mấy, em cũng thấy ấm áp”.

Tôi vẫy tay chào cô ấy và bước vào phòng chờ.

Tôi ngắm những ánh nắng của buổi sớm mai, không nỡ rời xa. Tôi không muốn chạy trốn câu chuyện của mình, nhưng câu chuyện ấy đã được khép lại và đóng kín trong quá khứ. Tôi sẽ đến một nơi đã từng sinh sống và cô đơn một mình. Phần lớn những người bạn trong lớp đại học đã rời khỏi Hà Nội. Số ít ở lại, có gia đình nhỏ để quan tâm, lo lắng hơn là vô tư như ngày xưa…

Hơn hai tiếng đồng hồ sau, tôi rùng mình bởi cái lạnh đầu đông. Dù có khoác lên tấm áo khoác dày nhất còn giữ lại, nhưng cơ thể chưa hết run rẩy và co ro. Ngồi trên xe taxi, tôi nhìn ngắm những xe đạp với gánh hàng rong chứa đầy cúc họa mi. Màu trắng tinh khiết của loài hoa này, ít nhiều cũng giúp tôi bớt trống trải hơn.

Những ngày mới trở lại, tôi ít khi ra đường. Chẳng dại gì mà ló mặt ra khi trời mưa phùn lâm thâm cả ngày, cùng với cái lạnh tê tái xuống gần mười độ. Những ngày xa Sài Gòn, San gọi điện cho tôi nhiều hơn. Tưởng chừng như tất cả những khi rảnh, cô ấy đều gọi cho tôi. Có lẽ nhận được sự quan tâm ấy, tôi cũng thấy ấm áp hơn.


Điều tồi tệ nhất là phải thức dậy thật sớm và đi ngoài đường giữa trời mưa phùn. Tôi gần như muốn hét lên để phá tan sự tồi tệ. Cuối cùng bằng phép màu nào đấy, tôi cũng đến được nơi cần đến. Đó là một công ty nhỏ trên đường Vũ Trọng Phụng, chuyên về truyền thông doanh nghiệp.

Đáng lẽ tôi không phải khổ sở đến vậy, chỉ cần hẹn ở một nơi và họ sẽ tới để ký hợp đồng. Nhưng tôi muốn đến trụ sở công ty, cách bố trí, sắp xếp nơi làm việc cũng là cả một vấn đề để đánh giá… Chẳng có gì mất mát khi tôi có cơ hội quan sát kỹ lưỡng, trước khi ký hợp đồng.

Tôi bị choáng ngợp bởi màu xanh chủ đạo, có lẽ màu xanh hợp phong thủy của người đứng đầu ở đây. Trụ sở cũng không quá rộng, nhưng được bố trí một cách khoa học. Tôi khéo léo đưa mắt nhìn quan sát, giả vờ bình thản để họ không thấy tôi quá bất lịch sự, khi săm soi từng chi tiết.

Nghĩ trong đầu như vậy, nhưng cuối cùng tôi vẫn chăm chăm nhìn vào một cô gái. Khiến người dẫn tôi vào ngạc nhiên và hỏi tôi.

“Anh có cần hỗ trợ gì không?”

“À… không. Mình thấy bạn kia giống với một người mình quen thôi.”

Tôi hoàn thành xong công việc một cách thật nhanh chóng. Từ chối mọi lời mời uống café và nhậu nhẹt, tôi muốn rời khỏi đó thật nhanh. Tôi không thể nghĩ lại gặp Lam trong tình huống như vậy. Nên không muốn để cô ấy biết, rất may khi tôi đến và đi cô ấy đều đang cắm cúi làm việc, không mấy để ý đến bên ngoài.


Những ngày sau đó, tôi phải chiến đấu với sự nhen nhóm tìm lại ký ức. Dường như tôi muốn tìm kiếm lại những điều còn sót lại ở phía sau của quá khứ. Nhưng mỗi khi muốn tìm kiếm, một tiếng nói nào đó cất lên, muốn chôn chặt những thứ đã từng. Tôi không nghĩ đến tuổi ba mươi, tôi còn gặp thứ cảm xúc chênh vênh này.

Một buổi tối, tôi đi dạo trên những con phố. Tôi bỏ qua những áp lực công việc, những deadline… để thảnh thơi, không nghĩ suy. Những bước chân cứ thế vô định đưa tôi về đầu ngõ, nơi tôi hay ngồi những ngày tìm đến gặp Lam. Tôi giật mình, bừng tỉnh khi nhìn thấy quán trà đá quen, đôi chân định quay bước. Nhưng tôi nghĩ, cũng nên chào cô Minh một câu, hỏi thăm tình hình của cô ấy sau một thời gian dài không gặp.

“Mày làm gì? Mày đi đâu? Mày có khỏe không? Mày đã lấy vợ chưa?...”

Cô chủ quán hỏi tôi một tràng dài những câu hỏi dù tôi chưa kịp ngồi xuống.

“Cô vẫn nhớ cháu cơ à?”

“Tao quên làm sao được mày.”

Tôi cười và bắt đầu trả lời những câu hỏi của cô…

“Mày sướng rồi. Không khổ như cái Lam”. Cô chủ quán thở dài, lắc đầu.

“Sao vậy cô?”

“Thằng chồng nó vũ phu quá, suốt ngày đánh đập. Công tử con nhà giàu suốt ngày ăn chơi lêu lổng, dính tới thuốc phiện nên tàn đời. Chỉ khổ cái Lam và đứa con, giờ lại phải về nhà ngoại sống.”

Tôi hoảng hốt khi nghe những thông tin ấy. Dường như chưa thấy tôi tin, cô ấy nhìn đồng hồ và nói thêm.

“Đúng mười năm phút nữa là con bé cùng mẹ nó qua đây đấy.”

Tôi khẽ nép mình sau chiếc dù che. Không muốn để cô ấy thấy tôi. Mười năm phút trôi qua trong sự hồi hộp, tôi muốn thấy cô ấy, cảm giác không khác gì khi còn yêu đơn phương.
“Đấy, mẹ con nó đấy”. Cô chủ quán nói khẽ và quay sang nhìn săm soi vào tôi.

“Sao tao thấy đứa con gái của nó giống mày quá”.

Tôi cười, khẽ hắng giọng.

“Cô khéo tưởng tượng quá.”

“Thật mà, càng nhìn càng thấy giống”.

Tôi cũng không nhìn rõ khuôn mặt của cô bé. Nhưng tôi tin điều đó không phải sự thật, dù vậy tôi vẫn hỏi thăm tuổi của cô bé.

“Nó hơn năm tuổi”. Cô ấy đưa tay nhẩm tính, “năm tuổi ba bốn tháng gì đấy”.

Những đợt gió mùa bắt đầu tràn về dữ dội hơn.

“Sao không đến gặp cô ấy?” Cô Minh hỏi tôi.

“Cô đừng nói gì nhé. Đừng nói là cháu tới tìm cô ấy”.

“Tao biết rồi, khổ lắm.”

Tôi rời khỏi đấy khi những dòng cảm xúc đang lẫn lộn đan xen. Một chút buồn mênh mang khi biết cô ấy đã trải qua những sóng gió, một chút phiền muộn khi đã trót mở khóa cánh cửa ký ức.


Thi thoảng tôi cũng hay tìm đến đấy, không phải để hồi hộp chờ đợi cô ấy. Tôi đến, để thấy một điều gì đó khó diễn tả. Có thể là tìm những điều vụn vặt, giản đơn giữa cuộc sống bộn bề nơi phố thị. Để nghe cô chủ quán nói những điều bâng quơ, kể một câu chuyện rất đời nào đó.

Mỗi khi thấy cô ấy ngang qua, tôi lại trốn tránh ánh nhìn. Cho đến một ngày, cô chủ quán cười nói với tôi.

“Nó biết mày về thành phố lâu rồi. Khỏi phải trốn.”

Tôi hốt hoảng kêu lên.

“Sao cô ấy biết được?”

Cô chủ quán không trả lời, chỉ nháy mắt trêu đùa. Tôi định buông lời trách móc, nhưng kịp ngăn lại lời nói. Khi nghĩ đến câu nói, những người nhiều chuyện sẽ chẳng thể giữ được bí mật gì. Có trách, thì tôi sẽ tự trách mình đầu tiên.

Buổi tối ấy, tôi quyết định sẽ đến gặp cô ấy. Khi thấy hai mẹ con cô ấy đang nô đùa trong góc nhỏ công viên.

“Đã lâu không gặp”. Đó là lời chào của tôi.

“Em cứ nghĩ anh sẽ không bao giờ gặp em nữa.”

“Anh… anh cũng định như vậy?”

Cô ấy cười, đôi mắt giận hờn.

“Dạo này anh lên sếp có khác, đến một cái nhìn còn đắt giá”.

Tôi lảng chuyện bằng cách cúi xuống chào con của cô ấy.

“Chào cháu”.

Đứa bé khép lép, ôm chặt chân mẹ nó. Chỉ sau khi cô ấy nói chào bác đi, cô bé mới chào tôi.

“Cháu chào bác.”

“Tên cháu là gì?”

“Tên cháu là Họa Mi.”

Tôi khẽ giật mình, ngước nhìn Lam.

“Bác biết hoa cúc họa mi không? Tên của cháu theo loài hoa ấy đấy?”

Đứa trẻ tinh nghịch trả lời tôi.

Hóa ra, Lam đã biết tôi trở lại thành phố này từ ngày lên công ty của cô ấy. Những lần tôi khép nép như đứa trẻ trong quán trà đá, cô ấy cũng hay biết. Vậy mà tôi cứ nghĩ cô ấy không hề hay biết…

Những ngày tháng ở Hà Nội, thi thoảng tôi đến gặp cô ấy. Dù những lần gặp gỡ ấy đều có những cảm xúc ngượng ngùng đan xen và tôi cảm thấy như chúng tôi đã cách xa. Nhưng tôi vẫn tìm đến, có lẽ được vui đùa cùng bé Mi giúp tôi quên đi những tháng ngày cô đơn. Tôi muốn ở bên cô bé, để nghe kể về những điều thơ ngây của tuổi thơ. Để vơi đi những cảm xúc chất chứa khó nói với Lam.

Tôi biết, cuộc sống của Lam đang rất khó khăn. Một mình nuôi con nhỏ, chống chọi với những định kiến xã hội. Dù nhiều lần đã giúp đỡ cô ấy, nhưng tôi đều nhận được sự từ chối quyết liệt. Cô ấy nói, “không muốn ai thương hại hai mẹ con cô ấy”. Cũng có thể sự can đảm đương đầu với cuộc sống của cô ấy, khiến tôi bớt dằn vặt. Và cũng là lý do để tôi tìm đến chuyện trò, coi cô ấy như một bài học.

Sài Gòn, mùa nắng lên.

Tôi trở lại Sài Gòn sau hai năm công tác, rời khỏi mùa cúc họa mi đang nở rộ. Những ngày tháng ở Hà Nội, San thường xuyên kiếm tôi. Có khi chỉ là để nhìn thấy nhau một vài phút giây ngắn ngủi. Có lúc là để tôi đưa cô ấy đi dạo quanh Hà Nội. Có những phút giây trải lòng, thành thật với San, tôi kể cho cô ấy nghe về quá khứ, chuyện của mùa đông.

San nói với tôi khi nghe hết câu chuyện. “Khi con người ta trưởng thành, điều mà họ mong ước không phải là những cuộc tình nồng cháy, nay hợp mai tan. Điều mà họ cần, là yêu đúng người và dài lâu mãi mãi”.

Nhiều đêm suy nghĩ, cuối cùng tôi cũng thấu hiểu. Trong cuộc đời có chữ duyên phận, đó là sự bất ngờ dành cho mỗi người. Có thể trong duyên phận ấy, ta có thể tạo ra bằng những cuộc gặp gỡ. Có thể là những cuộc hạnh ngộ, không được sắp xếp trước. Nhưng đến cuối cùng, hạnh phúc hay không, thì chúng ta có thể lựa chọn.

Tôi đã cầu hôn với San và được cô ấy đồng ý.

Những ngày tháng ấy sẽ trôi qua một cách êm đềm, nếu như buổi sáng định mệnh ấy, tôi không tò mò xem tờ kết quả xét nghiệm. Tôi gần như sụp đổ, mọi thứ cứ như trò đùa với tôi. Đáng lẽ, tôi không nên tò mò đi xét nghiệm AND. Nhưng mỗi khi bên Họa Mi, tôi có cảm giác gần gũi, không nỡ rời xa.

Ngồi trong quán café có máy lạnh, nhưng mồ hôi của tôi ướt đẫm cơ thể. Đôi tay của tôi run rẩy cầm tờ giấy, lẩm bẩm đọc đến ba lần kết quả xét nghiệm. Những dòng chữ ấy không thể sai được, Họa Mi là con gái ruột của tôi. Tôi không biết nên vui hay buồn cho sự trớ trêu này. Tôi tìm điện thoại và gọi cho Lam.

“A lô…”

“Sao em lại giấu anh?” Giọng của tôi cáu giận.

Lam ngạc nhiên hỏi lại tôi.

“Giấu anh chuyện gì?”

“Họa Mi là con của anh.”

Cô ấy im lặng.

“Tại sao chứ?”

“… Đó là sai lầm của tuổi trẻ… Điều quan trọng, Họa Mi đang có cuộc sống tốt. Em không muốn để con có sự xáo trộn nào về tinh thần. Nói ra sự thật với anh, có ích gì chứ? Bao năm em vẫn một mình nuôi con tốt là được.”

Tôi gần như tan vỡ sau những câu nói lạnh lùng ấy.

“Anh có thể bù đắp cho em những tháng ngày gian khổ…”

“Đừng anh… Em cũng nghe chuyện của anh và San rồi. Đừng khiến người con gái nào phải khổ thêm nữa… Em tắt máy đây.”

Tôi cười một cách đau khổ. Mọi ánh mắt nhìn của khách trong quán đổ dồn về phía tôi.

Tôi nhìn nắng chiếu qua ô cửa kính. Thấy gương mặt mình, méo mó, chất chứa đầy những điều khó hiểu về cuộc sống. Cuộc sống này giống như một vòng tròn, định mệnh bắt ta đi một vòng để gặp lại những người yêu thương, như một duyên phận định sẵn. Đi đến điểm kết thúc, chúng ta mới nhận ra, đó cũng là điểm bắt đầu. Khi nhận ra điều ấy, chiếc compa đang ở trên tay và chúng ta chẳng biết có nên quay lại vòng quay cũ. Hay quay thêm một vòng quay mới…

Đến cuối cùng, người còn làm khổ người đến khi nào nữa?

 Buổi chiều hôm ấy, tôi đã trở lại Hà Nội để quay chiếc compa theo vòng quay cũ.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét